Trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, làm nhiều người mắc và tử vong, điển hình là vụ ngộ độc ngày 13/2/2017 tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã làm 09 người tử vong và nhiều người đang phải cấp cứu tại cơ sở y tế. Nguyên nhân vụ ngộ độc do sử dụng rượu có hàm lượng Methanol cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay... Trong những dịp như vậy, lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn
Nguyên nhân gây ngộ độc rượu là do uống nhiều rượu thường xuyên dễ dẫn đến nghiện rượu. Dần dần cơ thể trở nên dung nạp rượu nên người uống rượu có xu hướng tăng dần số lượng.
Theo các nhà chuyên môn nghiên cứurượu và các đồ uống có cồn khác nếu uống quá nhiều sẽ làm suy yếu hệ thần kinh Trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây nên các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, loét dạ dày - tá tràng, tim mạch… Uống nhiều rượu gây ngộ độc cấp tính hay còn gọi là say rượu và nghiện rượu. Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên, người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Sau đó, khi đã ngấm vào cơ thể, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh, khiến người bệnh giảm phản xạ cơ, xương, tri giác, mất tri thức, hạ huyết áp, có thể rơi vào hôn mê. Lúc này, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Ở nước ta tồn tại nhiều loại rượu: rượu tự nấu, tự pha chế và rượu nhập ngoại, trong đó loại tự nấu, nhất là loại rượu tự pha chế có chất methanol cực kỳ độc hại. Bởi vì methanol tức cồn công nghiệp là loại không được phép sử dụng để uống, chỉ sử dụng trong công nghiệp. Trong rượu bình thường hay còn gọi là rượu bia thực phẩm là loại có chứa chất cồn methanol với hàm lượng cho phép được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân methanol cũng là chất có thể gây ngộ độc rượu nếu dùng quá mức cho phép.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, theo Cục An toàn thực phẩm, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
P. Nga