Ngày 27/9/2023, tại Gia Lai, Bộ Y tế phối hợp với Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng, chống bệnh Dại thuộc Chương trình quốc gia giai đoạn 2022 - 2030”.
Tham dự Hội nghị, có TS. Lương Ngọc Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình phòng, chống Dại Bộ Y tế; Đại diện Tổ chức WHO/FAO, đại diện USCDC cùng các đại biểu đến từ Vụ, Cục, Viện, Trường Đại học thuộc Bộ y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Lương Ngọc Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại các giai đoạn 2011-2015, 2017-2021 và hiện nay là 2022-2030. Bên cạnh những mục tiêu và hoạt động ưu tiên đặc thù của từng ngành là những hoạt động phối hợp liên ngành xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Nhờ những nổi lực nói trên, tình hình tử vong do dại trên người đã được cải thiện trong những năm gần đây, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và số ca tử vong cao, nguyên nhân chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin phòng dại. Chính vì vậy, để giải quyết những khoảng trống nói trên trong công tác phòng chống bệnh Dại, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần có sự hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể và ý thức của toàn xã hôi, của nhân dân cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế theo hướng tiếp cận Một sức khoẻ để không còn người tử vong do dại tại Việt Nam. Từ đó tạo ra một xã hội an toàn về dịch bệnh, ổn định để phát triển kinh tế xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tình hình bệnh Dại trên người tại Việt Nam từ năm 2017 - 2023 và các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên người; tình hình bệnh Dại động vật và các kết quả thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại trên người tại Việt Nam; Giải pháp điều tra tổng đàn chó đang nuôi và các hoạt động về chương trình phúc lợi động vật (chó, mèo) và các giải pháp nhằm kiểm soát bệnh Dại tại Việt Nam.
Ở nước ta, bệnh Dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh Dại đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~42%). Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Trong đó, tỉnh Gia Lai ghi nhận 11 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022). Đa số các trường hợp trên tử vong do không tiêm vắc xin và tiêm không đủ liều.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Pawin Padungtot, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp, Văn phòng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Tổ chức FAO và WHO sẽ kêu gọi các đối tác trong nước và quốc tế khác tham gia vào nỗ lực cùng chúng tôi nhắm chấm dứt số ca tử vong ở người do bệnh Dại gây ra tại Việt Nam. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách và cơ chế thiết yếu sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong ở người do bệnh Dại gây ra.
Cũng tại Hội nghị các đại biểu đã nghe những chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp của các cơ quan từ trung ương tới địa phương. Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhất với bối cảnh của địa phương, khu vực và quốc gia nhằm đạt được mục tiêu của chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030 là "không còn người tử vong do dại tại Việt Nam vào năm 2030".
P. Nga - T. Chung (Khoa Truyền thông GDSK - CDC).