Sáng ngày 25/8/2022, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và công tác tiêm chủng phòng Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc do thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì Hội nghị cùng các Vụ, Cuc, Ngành liên quan cũng tham dự Hội nghị.
Tại điểm cầu Gia Lai, tham dự và chủ trì Hội nghị có BS.CKI Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế; Phòng Nghiệp vụ Y; Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng cán bộ Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.74 lây lan nhanh và các bệnh dịch truyền nhiễm khác đang có dấu hiệu tăng. Cùng với đó, tốc độ tiêm chủng phòng Covid-19 trong cả nước có tăng nhưng chưa nhanh, một số địa phương tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, đặc biệt tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có khoảng cách lớn giữa các địa phương, để đạt được mục tiêu đó Thủ tướng chính phủ đề ra là hoàn thành trong tháng 8/2022.
Tại Hội nghị, Cục Y tế dự phòng báo cáo tình hình cung ứng và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.392.859 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, toàn quốc đã tiêm được 255.132.271 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 218.345.144 liều gồm: Mũi 1 là 71.375.604 liều; mũi 2 là 68.976.346 liều; mũi bổ sung là 15.229.839 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 49.502.555 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 13.260.800 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.054.216 liều gồm: Mũi 1 là 9.083.949 liều; mũi 2 là 8.780.866 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 4.189.401 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.732.911 liều: Mũi 1 là 9.022.843 liều; mũi 2 là 5.710.068 liều.
Riêng Gia Lai, tính đến chiều ngày 24/8 về tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đối với mũi nhắc lại lần 1 là 654,068 mũi đạt tỷ lệ 67,9%; Tiêm mũi nhắc lại lần 2 là 536 mũi/141.161 đối tượng đạt 87,5%. Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 là 175.833 mũi đạt 105,63%; tiêm mũi 2 là 166.888 mũi đạt 100,26%, tiêm mũi 3 là 73.004 mũi đạt 43,86%. Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 là 182.970 mũi đạt 105,63%, mũi 2 là 102.734 đạt 48,41%.
Tại Hội nghị, các địa phưong cùng nhau thảo luận và đưa ra những thắc mắc về phần mềm quản lý tiêm vắc xin phòng Covid-19 và quản lý các dịch bệnh khác; một số khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: Để hoàn thành mục tiêu tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho mỗi người dân và cộng đồng trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, cần tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ thấp. Cùng với đó, ngành Y tế các địa phương phối hợp với ngành giáo dục rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho các cháu để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới. Tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích, tính an toàn của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ đó khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng tiêm các mũi nhắc lại để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Riêng đối với bệnh đậu mùa khỉ, từ tháng 5-2022 đến nay dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc lẫn số quốc gia ghi nhận. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhiều nơi cả trong lẫn ngoài nước. Để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường trong công tác phòng-chống dịch, đặc biệt là hoạt động giám sát ngăn chặn tại cửa khẩu, phát hiện sớm tại cộng đồng, tại cơ sở y tế và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh. Chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh.
T.Chung
Khoa Truyền thông GDSK - CDC